Bối cảnh Trận_đảo_Giáng_Sinh

Đảo Giáng Sinh vào thời điểm này là thuộc địa của Anh dưới sự quản lý về hành chính của "Các khu định cư Eo biển" (Straits Settlement), cách Java 300 km về phía nam. Hòn đảo này quan trọng với người Nhật vì hai nguyên nhân: một chốt kiểm soát hoàn hảo đối với toàn bộ khu vực Đông Ấn Độ Dương, và tại đây còn có một nguồn tài nguyên rất cần cho ngành công nghiệp Nhật Bản là phosphat.[1]

Sau khi chiếm được Java, Bộ tổng chỉ huy Lục quân Nhật Bản quyết định ra lệnh thực hiện "Kế hoạch X" (Đổ bộ và đánh chiếm Đảo Giáng Sinh) vào ngày 14 tháng 3 năm 1942.[1] Chuẩn đô đốc Shoji Nishimura được giao nhiệm vụ chỉ huy Đệ nhị Hạm đội Viễn chinh Chiếm đóng Phương Nam với tuần dương hạm hạng nhẹ Naka làm soái hạm. Lực lượng hạm đội còn bao gồm các tuần dương hạm hạng nhẹ NagaraNatori, các khu trục hạm Minegumo, Natsugumo, Amatsukaze, Hatsukaze, Satsuki, Minazuki, FumizukiNagatsuki, tàu chở dầu Akebono Maru và hai tàu vận tải Kimishima Maru và Kumagawa Maru, với 850 quân của Lực lượng chiếm đóng Đặc biệt 21, 24 và đơn vị công binh 102.[2]

Để chống lại lực lượng này, trên đảo có có một khẩu pháo kiểu cũ 150mm (6-inch)[1] mua từ Singapore sau Thế chiến thứ nhất, và khoảng ba khẩu pháo phòng không. Lực lượng quân Anh đồn trú, một bộ phận của Pháo binh Hoàng gia từ Hồng Kông và Singapore, bao gồm 32 người, chủ yếu là lính Ấn Độ chỉ huy bởi một sĩ quan Anh và bốn hạ sĩ quan.[1]

Những người lính Ấn Độ, tin vào sự tuyên truyền của Nhật Bản rằng sẽ giúp họ giải phóng đất nước từ tay người Anh đã nổi loạn và giết chết viên sĩ quan Anh còn đang ngủ vào ngày 10 tháng 3 năm 1942. Sau đó, họ đã nhốt viên chức phụ trách khu vực và một số người châu Âu đang chờ lệnh thực thi nhiệm vụ mà rõ ràng đã bị cản trở bởi sự chiếm đóng của quân Nhật.[3]

Liên quan